Những Vụ Án Kỳ Lạ Gặp Phải Khi Tư Vấn Tâm Lý

Chương 24 - Chương 24

/24


Miêu(章): họ Miêu, người Miêu, Mèo; Cổ(蛊): con sâu độc (còn sót lại)

Mấy năm gần đây, một số tiểu thuyết trinh thám, trò chơi tiên hiệp khiến mọi người biết đến sự tồn tại của cổ thuật Miêu Cương. Là một người Quý Châu chính gốc, tôi đã sống ở Quý Châu hai mươi tám năm. Tôi đã từng nghe người ta nhắc đến Miêu cổ vô số lần, nhưng tôi vẫn không hiểu kỹ thuật đó đến tột cùng là như thế nào. Tôi chỉ biết, cái gọi là “cổ thuật” và xua đuổi côn trùng cho cây cỏ có liên quan với nhau.

Lúc tôi học lớp sáu tiểu học, trong nhà của chúng tôi có một chị giúp việc là người dân tộc Hắc Miêu (Mèo đen 黑苗) đến từ vùng núi xa xôi phía Tây, tôi gọi chị ấy là chị Đông. Chị giúp việc này được một người bạn của mẹ tôi giới thiệu, bác ấy giúp những người nghèo khó có công ăn việc làm. Chị Đông lúc đó mười sáu, mười bảy tuổi, tuổi thì lớn hơn tôi một chút, nhưng thân hình không cao lớn hơn tôi là bao.

Tôi rất thích quấn quít, chơi đùa cùng chị ấy. Thỉnh thoảng, chị ấy cũng sẽ kể cho tôi nghe một vài chuyện thần bí xảy ra ở quê hương của chị, ví dụ như ma gia kéo người để thế thân. Có một lần, khi chị ấy kể chuyện cho tôi nghe có nhắc đến “Miêu cổ”. Chị ấy kể rằng, người Hán là con cháu của Viêm Hoàng[1], còn người Miêu lại là hậu duệ của Xi Vưu[2]. Thuật vu cổ của người Miêu vô cùng lợi hại. Thông thường “Nam vu nữ cổ”, “cổ nữ” trong làng được xem như là thánh nữ, có địa vị cao quý.

[1]Viêm Hoàng(炎黄): được ghép từ Hoàng Đế và Viêm Đế, người Hán coi hai người là tổ tiên chung của mình với thành ngữ “Viêm Hoàng tôn tử” (con cháu Viêm Hoàng).

[2]Xi Vưu(蚩尤): là thủ lĩnh bộ lạc Cửu Lê và được biết đến nhiều do đã chiến đấu với Hoàng Đế trong trận chiến Trác Lộc trong truyền thuyết Trung Quốc. Xi Vưu đã thể hiện được uy lực trong chiến tranh, cái tên Xi Vưu cũng trở nên đồng nghĩa với từ chiến tranh trong tiếng Hán. Đối với người Miêu, Xi Vưu là một vị vua thần thoại có tính khôn ngoan.


Trong xã hội ngày nay, các dân tộc thiểu số bị Hán hóa nghiêm trọng, cho nên rất nhiều người Miêu đối với “thuật vu cổ” chỉ là nghe nói chứ chưa hề tận mắt chứng kiến. Chỉ có một ngôi làng người Miêu ở trong núi sâu hẻo lánh tồn tại đến nay là có người biết “phóng cổ”. Những người đó bạn không nên dây đến, cho dù đó chỉ là việc cỏn con nhẹ như lông hồng, chỉ cần bạn chọc giận họ, thì sẽ nhận lấy hậu quả.

Nhà của chị Đông có thể xem như ở trong thâm sơn cùng cốc. Phải ngồi xe sáu tiếng đồng hồ mới đến thị trấn, sau đó phải đổi xe để đến xã. Vô xã, còn phải đi bốn năm tiếng đường núi mới có thể đến ngôi làng người Miêu nơi chị ấy lớn lên. Vì giao thông bất tiện, làng quê nghèo nàn lạc hậu, nên trường tiểu học trong làng chỉ là mấy gian nhà rách nát dột mưa, vài ba cái ghế, không có bàn, và chỉ có một thầy giáo. Ngữ văn hay số học đều là một thầy dạy, chẳng phân biệt lớp lớn lớp nhỏ. Đứa lớn tuổi hay nhỏ tuổi đều học cùng một lớp, bọn trẻ thậm chí ngay cả sách giáo khoa cũng không có, chúng đi học giở ra trang giấy đen nhẻm, một cây bút máy tè đầu. Những đứa trẻ trong làng mỗi ngày đều dậy rất sớm lên núi hái cây cỏ cho heo ăn, cho heo ăn xong sẽ thổi lửa nấu cơm sáng, sau đó mới đi học. Mặc dù cuộc sống vô cùng gian nan khổ cực, nhưng mỗi ngày chúng đều cảm thấy vô cùng vui vẻ, dù sao tất cả mọi người đều khổ như nhau.

Khi chị Đông bảy, tám tuổi, có một hôm trên thị trấn phái tới một cô giáo mới. Cô giáo mới này là một sinh viên rất xinh đẹp, có người nói rằng cô đang làm việc trong một nhà xuất bản trên thị xã, là một dịch giả tiếng Anh. Cô giáo trẻ tuổi này được điều đến thôn làng của họ để dạy tiếng Anh cho những trẻ em nghèo trong ba tháng. Trước đó, bọn trẻ trong làng chỉ học ngữ văn và toán học, bọn chúng cho tới bây giờ đều chưa nghe qua tiếng Anh là cái gì. Bởi vậy, khi chúng nghe từ chỗ bí thư chi bộ thôn nói rằng trên huyện muốn điều đến một cô giáo dạy tiếng Anh thì chúng vô cùng kích động và phấn khởi.

Người Miêu nhiệt tình hiếu khách. Mấy ngày trước khi cô giáo đến, người trong làng đã giết lợn, giết gà, để chuẩn bị chiêu đãi cô giáo. Vào cái hôm cô giáo xuống thôn, bí thư chi bộ của thôn cùng tộc trưởng hơn năm mươi tuổi của làng đã đi bốn năm tiếng đường núi từ sáng sớm để đích thân dẫn cô giáo về làng. Cô giáo đó sau khi xuống xe, lại nghe nói còn phải đi thêm hơn bốn tiếng đường núi nữa thì khá mất vui. Cô ấy mang theo hai cái vali lớn, tự mình đi đường núi còn xiêu xiêu vẹo vẹo, chứ đừng nói đến việc vác đồ. Trong hơn bốn tiếng đồng hồ leo núi, là bí thư chi bộ thôn và tộc trưởng đã xách đồ giúp cô ấy.

Lúc cô giáo đến làng thì đã là sáu giờ chiều. Cô ấy đến xem “ngôi trường” mình sẽ dạy học trong ba tháng, vừa thấy liền cau mày rồi lắc đầu, cô ấy cảm thán: “Ở đây nghèo quá là nghèo”. Người thầy giáo duy nhất trong trường chỉ học đến cao đẳng, nhưng thầy đã dạy tiểu học ở đây đã năm năm. Thầy Vương dẫn cô giáo dạy tiếng Anh họ Tôn mới đến đi xem “Ký túc xá” mà họ đã chuẩn bị cho cô.

Đó là một gian nhà bằng gỗ có hai tầng, tầng dưới để ở, tầng trên để chứa thóc. Căn nhà này mặc dù không tính là mới, nhưng so với những căn khác trong làng của họ thì nó đã rất tốt rồi, hơn nữa cũng gần trường. Căn nhà này vốn là căn nhà người dân trong thôn cảm kích thầy Vương nên để cho thầy ở. Nhưng khi cô Tôn đến, thầy Vương sợ một cô gái sau khi tan học muộn phải đi đường rừng về làng thì không tiện lắm, nên mới nhường căn nhà chỉ cách trường có mấy bước chân lại cho cô Tôn mới đến. Thế nhưng, khi cô Tôn bước vào nhà, cô ấy thấy có chuột chạy loạn xạ trên xà ngang, căn bản là chúng không sợ người. Ai nói gì cô cũng không chịu ở, nói muốn quay lại thị trấn tìm nhà trọ. Đường rừng núi khó đi, muốn đi đi về về trong một ngày ở chốn thôn quê này thật sự là không thể thực hiện được. Vì vậy, tộc trưởng đã mời cô giáo đến ở nhà của ông, vì căn nhà gỗ của ông mới xây nên chuột ít.

Tộc trưởng để con gái mới hơn mười tuổi của mình và cậu em trai nhỏ chen chúc trong một căn phòng, đem căn phòng của con gái để cho cô giáo ở. Vừa nghe nói đó là một sinh viên nữ thì tộc trưởng đã cảm thấy vô cùng vinh hạnh. Họ khâm phục những người có văn hóa, nhất là phụ nữ có văn hóa. Cả nhà tộc trưởng nhiệt tình tiếp đãi cô giáo, nhưng cái cô giáo đó cũng rất là trời ơi đất hỡi. Lúc đi ngủ, cô ta còn chê chăn mền hôi, hỏi chủ nhà có thể đổi cho cô ta một cái vỏ chăn khác không. Chăn nhà tộc trưởng không phải là loại có có dây kéo, họ chỉ may vải trắng và ruột chăn dính với nhau, đổi vỏ chăn rất tốn thời gian. Vợ của tộc trưởng có phần không vui, nhưng vẫn giúp cô giáo đó thay vỏ chăn. Như vậy, một ngày mệt mỏi cuối cùng cũng trôi qua. Nhưng cô giáo mới đến này khiến cho không ít người trong làng cảm thấy thất vọng.

Trưa ngày hôm sau, người dân tộc Miêu trong làng mở tiệc đón mừng cô giáo mới. Họ bưng rượu ủ từ gạo nếp nhà trồng, thịt khô rang đậu phộng, và những món đặc trưng của người Miêu như bánh ớt, cá diếc đồng, cá trạch chiên cay, nấm rừng, mì thịt, gà rừng hấp v.v. Đây là bữa cơm “giết gà giết lợn chiêu đãi” vô cùng phong phú. Dù sao, những món ăn này có ở thành phố cũng chưa chắc được thưởng thức.

Sáng hôm đó, người mẹ già đã chín mươi tuổi của tộc trưởng, cũng là người đức cao vọng trọng nhất trong làng ngồi ở gian nhà chính. Bà cầm trên tay một chiếc bánh giầy, xoa bóp trên đùi. Trước khi khai tiệc, bà lão người Miêu này cười cười bắt chuyện với cô giáo Tôn. Một tay của bà cầm chiếc bánh giầy, một tay khác bưng một cái chén, trong chén đựng loại rượu trắng của người Miêu. Bà nhổ vào trong chén rượu một ngụm nước bọt, lại kéo cô giáo Tôn thì thầm một đống câu bằng tiếng dân tộc Miêu. Sau đó bà lại ngâm nga một bài ca dân tộc Miêu. Cuối cùng, bà đưa chiếc bánh giầy và chén rượu trong tay cho cô giáo Tôn, hăng hái mời cô giáo ăn.

Bí thư chi bộ thôn đứng bên cạnh giải thích với cô giáo Tôn, rượu và bánh giầy bà cụ đưa cho cô giáo đều được làm từ gạo nếp mới thu hoạch năm nay, tượng trưng cho mùa màng bội thu trong làng của người Miêu. Bánh giầy và rượu trắng là một loại tập tục đãi khách của người Miêu. Ông còn nói cô giáo chỉ cần uống một ngụm rượu, ăn một miếng bánh tượng trưng là được, để bày tỏ cô giáo không chê sự tiếp đãi của họ, cô giáo cùng chia sẻ niềm vui được mùa của người Miêu. Sau này cô giáo chính là khách quý của người Miêu.

Sau khi cô giáo nhận chiếc bánh giầy và chén rượu gạo thì vô cùng khó xử. Cô giả bộ uống một ngụm rượu trong chén rượu bị nhổ nước bọt vào kia, trên thực tế ngay cả mép của cô cũng không dính một giọt rượu. Rượu thì có thể giả bộ uống, nhưng chiếc bánh giầy bị bà cụ xoa nắn trên đùi kia thì cô không có cách nào ăn được. Cô chỉ có thể bày tỏ là mình chưa đói bụng, một lát nữa sẽ ăn. Ngay sau đó, khi cô quay người đi thấy có cơ hội liền ném chiếc bánh đó đi. Cô ta không biết rằng, thật ra chiếc bánh bà cụ đưa cho cô không phải là chiếc bánh mà bà đã lăn trên đùi, mà là một chiếc bánh sạch khác.

Sau khi vui vẻ dùng bữa cơm chào đón mình, cô giáo Tôn vẫn không biết rằng cô đã không được người ta hoan nghênh trong ngôi làng này nữa. Không chỉ như vậy, bà cụ luống tuổi của vị tộc trưởng trước đây là “Cổ nữ” của ngôi làng người Miêu này, bà ấy biết cổ thuật. Ngay sau khi cô giáo Tôn vứt bánh giầy đi, bà cụ đã hạ “cổ” với cô.

Sáng hôm sau, khi cô giáo Tôn thức dậy liền phát ra một tiếng la hét thảm thiết. Cô phát hiện trên giường của mình, trên chăn mền nơi nơi đều có những con nhện nhỏ đầy đốm đỏ trên thân, cái loại vô cùng nhỏ. Những con nhện này mặc dù không làm người khác bị thương, nhưng cái cảm giác vừa mới thức dậy phát hiện trên giường mình đều là những con nhện bò lúc nhúc, cô giáo Tôn sợ phát khiếp. Cô cảm thấy không thể ở lại cái chỗ quỷ quái này thêm một giây phút nào nữa. Trong ngày hôm đó, cô giáo Tôn không màng đến lời khuyên ngăn của mọi người, thu dọn đồ đạc trở lại thị trấn.

Lúc chị Đông kể đến đây, thì vừa cười vừa nói cho tôi biết: “Cô ta về cũng chẳng có tác dụng, cô ta đã bị bà bà hạ cổ. Trong vòng một tháng, cho dù cô ta đi đến đâu, cũng sẽ kéo theo sâu bọ.”

Tôi thử tưởng tượng đến cảnh vừa mới tỉnh dậy phát hiện trên người mình đầy những con nhện thì đã làm tôi nổi da gà da vịt, da đầu ngứa ran. Đúng là đáng sợ mà! Tôi hỏi chị Đông, cái gọi là “Phóng cổ” cụ thể là phóng như thế nào. Chị ấy nói cái đó chị ấy cũng không rõ. Có người giấu trứng sâu bọ dưới móng tay, ngón tay bắn ra là có thể đưa trứng sâu vào trong miệng người khác. Nhưng mà chị ấy chưa từng thấy, chỉ là mới nghe nói.

Hơn nữa có rất nhiều phương pháp phóng cổ, đôi khi không nhất thiết phải là trứng sâu bọ. Người Miêu vô cùng quen thuộc với thảo dược và sâu bọ, họ biết được làm sao để sử dụng những thứ đó, sự thần kỳ của “cổ thuật” vừa đúng là dựa vào những kiến thức, hiểu biết đó. Người bình thường biết mình bị trúng chiêu, lại không biết là khi nào, ở đâu, làm thế nào bản thân lại trúng chiêu.

Chị Đông nói cho tôi biết, người biết được “cổ thuật” trong làng của họ chỉ có một mình bà cụ đã hơn chín mươi tuổi kia của nhà tộc trưởng mà thôi. Chị cũng như cha mẹ của mình, mặc dù là người Miêu nhưng cũng giống bao nông dân bình thường khác mà thôi. Vào hai năm đầu chị lên thành phố làm thuê, thì bà cụ biết cổ thuật kia đã qua đời. Gian nhà mà lúc còn sống bà chuyên dùng để nuôi dưỡng cổ đã bị tộc trưởng cho thiêu hủy, bởi vì tộc trưởng không biết cổ thuật, ông không biết làm thế nào để khống chế những thứ “cổ” đó, chỉ có thể thiêu rụi cho xong chuyện.

Chị Đông kể cho tôi nghe câu chuyện này, khiến tôi có một dạo vô cùng hiếu kỳ đối với cổ thuật của người Miêu. Tôi từng tưởng tượng mình biết cổ thuật, thấy ai không vừa mắt thì dùng cổ để chỉnh đốn họ, thật vui xiết bao! Nếu năm đó bà cụ kia vẫn còn sống, tôi nhất định sẽ bám theo chị Đông hỏi thêm về bà cụ. Tôi bằng lòng uống chén rượu bị nhổ nước bọt kia, tôi cũng vui vẻ ăn chiếc bánh giầy kia, dù cho nó có thật sự bị lăn qua lăn lại trên đùi đi chăng nữa. Nhưng mà, chuyện này đã trôi qua rất lâu rồi. Sau này chị Đông đã lấy một kỹ sư trong cùng cơ quan với ba tôi thông qua lời giới thiệu của mẹ tôi. Hai người đồng tâm hiệp lực cố gắng phấn đấu nhiều năm, nhận thầu nhiều công trình. Chị Đông bây giờ cũng khá giả, chị ấy mới mua chiếc xe ô tô bốn chỗ hiệu gì đó.

Ngày mồng một tháng năm năm nay, trung tâm chúng tôi tổ chức du lịch tập thể toàn bộ cán bộ nhân viên chức. Bởi vì viện trưởng Tiền đã đi du lịch nhiều nơi như Lệ Giang, Phượng Hoàng, Tam Á, Dương Sóc rồi. Những người sống lâu ở thành thị đặc biệt khát vọng về nông thôn, càng hẻo lánh càng tốt. Vì vậy, mục đích của chuyến du lịch lần này của chúng tôi là đến châu tự trị dân tộc Miêu, dân tộc Đồng Kiềm Đông Nam một vùng quê hẻo lánh ở xã Tam Động huyện Dong Giang Tỉnh Quý Châu.

Người có xe chở người không có xe, chi phí cùng chi trả. Cứ như vậy, tám chiếc xe việt dã ba mươi chín người cùng nhau thẳng tiến về dãy núi trùng trùng điệp điệp. Chúng tôi vừa đi vừa chơi, ngắm phong cảnh, thưởng thức các món ăn đặc sắc của các vùng dọc đường đi. Những ngày ấy trôi qua quá nhanh! Song, trong lần du lịch đó đã xảy ra một chuyện vô cùng đáng sợ. Chuyện này đã kích hoạt sự tò mò của tôi về “cổ thuật” một lần nữa, khiến tôi nhớ lại bà cụ “Cổ nữ” trong lời kể của chị Đông.

Ngày đầu tiên của chuyến du lịch dịp lễ quốc tế lao động, chúng tôi đặt chân vào vùng đất Quý Châu, ăn món canh đậu hũ cà chua và lẩu thịt bò chua cay đặc sản của địa phương. Ngày thứ hai chúng tôi dừng chân ở Kiếm Hà, thưởng thức món cá đồng sốt chua cay, tắm suối nước nóng. Đến ngày thứ ba, chúng tôi mới lên đường đến huyện Lôi Sơn thuộc đông nam tỉnh Quý Châu, ngắm nhìn phong cảnh đẹp thiên nhiên của Lôi Sơn và ăn các món đặc sắc của người dân tộc Đồng. Mùi vị thơm ngon của món cá đồng được người Đồng rang sơ đặc biệt ngon miệng, khai vị bằng món dưa chua trộn tiếng giòn ‘rộp rộp’ vang lên mỗi khi nhai vừa vui tai vừa ngon. Các món khác của dân tộc Đồng còn có thịt muối, thịt khô, lạp xưởng cay, nấm gan bò rừng, vịt hầm thuốc. Ngoài ra, còn có rượu gạo trắng của người Đồng, đậm đà hương vị gạo nếp, mang theo cảm giác trong vắt tươi mát…

Những cô gái người Đồng xinh đẹp gắn trên đầu một đóa hoa tươi, bưng bầu rượu đất vừa hát đối vừa mời rượu. Tôi tựa như rất vui vẻ rũ bỏ bộn bề cuộc sống, theo chân họ vừa ca hát vừa nhảy múa, còn uống cạn năm chén rượu nếp được gọi với cái tên “rót là say”. Lúc quay về khách sạn, người ta thì đi trở về còn tôi là phiêu linh trở về. Trên đường tôi đi liêu xiêu còn hát vang: “Leo lên núi cao hái hạt đậu này~. Lên núi cao ngắt quả cà này~. Cô em tưới cây đậu cây cà cà rốt củ cải này~. Mọi nhà đều có TV, ồ la quả ớt đỏ!” Theo như lời Triệu Khanh là: “Lưu Hân Dương, cô đặc biệt giống con khỉ già trong rừng sâu, đu bên này chạy nhảy qua bên kia, điên cuồng la hét, gọi bạn gọi bè.”

Lời này mặc dù rất khó nghe, nhưng lại vô cùng chuẩn xác để hình dung tình trạng của tôi lúc đó. Bởi vì những chuyện liên tiếp xảy ra vào khoảng thời gian trước đó khiến tôi vô cùng áp lực, khó có cơ hội thả lỏng tốt như vậy, đương nhiên tôi vui vẻ đến phát điên rồi.

Điểm đến sau cùng trong hành trình của chúng tôi là một ngôi làng hẻo lánh có người Miêu và người Đồng sống chung ở xã Tam Động huyện Dong Giang tỉnh Quý Châu. Sở dĩ chúng tôi chọn một nơi như thế vì quê của một đồng nghiệp trong cơ quan chúng tôi vừa hay ở ngôi làng sâu trong núi rừng này. Năm ngoái, anh ấy đã gửi tiền về quê để xây dựng lại một ngôi nhà lầu gỗ bốn tầng kiểu người Đồng. Nhà lầu gỗ của người Đồng vô cùng đặc sắc, có hình dáng cổ xưa đặc biệt, trong quá trình xây dựng cả công trình không hề dùng một cây đinh nào, chỉ dùng phương pháp xây dựng dùng dùi gỗ đập cọc gỗ, điều chỉnh các trụ gỗ khít vào nhau. Sau khi chúng tôi nghe nói người đồng nghiệp người dân tộc về quê xây lại một “căn biệt thự gỗ dân tộc Đồng”, thì đoàn người chúng tôi đã quyết định ngày cuối cùng sẽ đến căn nhà mới của anh ta chiếm phòng ở, cảm nhận một chút cuộc sống thôn dã.

Có một bài hát có câu hát thế này: “Núi ở đây ngoằn ngoèo mười tám đoạn, sông ở đây uốn quanh chín khúc.” Con đường từ Lôi Sơn đến Dong Giang chính là đường đèo lượn quanh những dãy núi lớn. Xe chạy cứ hai ba phút thì phải bẻ lái quẹo khúc cua lượn theo vực núi.

Con đường núi bảy xóc tám nẩy khiến cho một người hôm trước uống hơi nhiều rượu như tôi đây vô cùng khốn khổ, tôi đã vài lần muốn nôn. Triệu Khanh lái xe hẳn là lo lắng cho chiếc xe BMW X3 mới mua chưa được bao lâu của anh ta, nên lặng lẽ đưa túi nhựa cho tôi. Tôi còn chưa kịp cảm động vì hành động chăm sóc chu đáo của anh ta thì chợt nghe anh ta căn dặn: “Nôn cẩn thận một chút, đừng văng ra trong xe tôi.” Vì vậy, tôi hạ quyết tâm, cho dù tôi thật rất muốn nôn ra, nhưng tôi cũng cố nuốt trở lại.

Cuối cùng, sau khi trải qua bốn tiếng đau khổ và đày đọa, chúng tôi đã đến đích.

Đây là một ngôi làng dân tộc thiểu số còn sót lại sống trên dãy núi Đàn Sơn. Điểm đặc biệt của ngôi làng là những mái ngói rêu xanh phủ lên những căn nhà sàn gỗ. Hai bên nóc nhà gắn đầy sừng, làm gợi nhớ đến những món đồ trang sức bằng bạc trên đầu của những cô gái người Miêu. Những căn nhà này xây dựa vào núi, chằng chịt thú vị, cái trên nối tiếp cái dưới, số lượng chưa đến một trăm nhưng cũng hơn năm mươi.

Thỉnh thoảng lại có hai ba người dân mặc trang phục dân tộc đơn giản vác cuốc hoặc thồ bó cây cỏ đi ngang qua chúng tôi. Đưa mắt nhìn ra xa, nơi xa là màu xanh mơn mởn của những ô ruộng bậc thang tầng tầng nối liền nhau, mây mù vởn vơ bên sườn núi. Cách đó không xa, tôi còn thấy dòng sông nhỏ uốn quanh phản chiếu ánh sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Chia tay chốn thành thị tấp nập và náo nhiệt, nơi này vô cùng yên tĩnh, như một thế giới thần tiên. Ở nơi đây, những con người thành phố đã quen với nhịp điệu cuộc sống gấp gáp mới có cơ hội chậm bước, để cảm nhận từng vẻ đẹp của thiên nhiên.

Khi đoàn xe của chúng tôi đỗ xe bên dưới đền thờ ở cửa làng, một loạt tám chiếc xe việt dã khiến những người dân trong làng đi qua đều ngoái đầu lại nhìn. Họ nói tiếng dân tộc Đồng hoặc tiếng dân tộc Miêu, chỉ chỉ trỏ trỏ vào những chiếc xe với dáng vẻ vừa kinh ngạc vừa vui vẻ.

Khi người nhà của vị đồng nghiệp bản địa của chúng tôi hay tin, dẫn chúng tôi đến căn nhà mới của gia đình anh trước để cất hành lý. Căn nhà của họ Khưu vô cùng đẹp. Căn nhà gỗ bốn tầng, tầng một là phòng khách cùng khu sinh hoạt chung, lầu bốn là chỗ chứa lúa gạo, có điều bây giờ vẫn để trống, lầu hai, lầu ba có rất nhiều phòng nhỏ, lại còn có hành lang dài có ghế dựa theo phong cách cổ xưa. Tôi có cảm giác ngôi nhà này giống nhà trọ cổ đại, ở đây đặc biệt hữu tình. Ngồi bên hành lang ở tầng ba ngôi nhà, đưa mắt trông dãy núi Đàn Sơn xa xa, con sông nhỏ quanh co dưới chân núi, cảm giác này thật sự quá tuyệt vời!

Mọi người nói anh Khưu có tầm nhìn xa, một mai về hưu đến đây dưỡng lão, hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn phong cảnh xinh đẹp, mọi người có thể sống lâu thêm vài năm. Trong trung tâm của chúng tôi có một nhóm người mê bài bạc, bất luận chúng tôi có đang ở một nơi có cảnh sắc tươi đẹp ra sao, cũng cảm thán: “Nếu nơi này có một cái máy mạt chược tự động xóc bài giúp, vậy mới tuyệt chứ!” Lúc này cũng thế, họ cảm thấy ngôi nhà này rộng rãi thuận lợi, nên nhờ người nhà anh Khưu đi mượn vài bộ mạt chược cùng bàn ở nhà hàng xóm. Trước khi ăn cơm trưa, họ tụ tập mở năm bàn, tiếng xào bài xào xạc vui vẻ.

Trong trường hợp thông thường, tôi là một người vô cùng hòa đồng, bất kể là uống rượu hay ca hát tôi đều hứng khởi tham gia, duy chỉ có món mạt chược này tôi tuyệt đối không chơi. Thấy tôi buồn chán ngồi nghịch điện thoại bên cạnh mọi người, anh Khưu chỉ con sông cách đó không xa, nói: “Kia là sông Thanh Thủy, dưới sông có rất nhiều cá đồng, còn có cua nữa, chiên giòn tẩm ớt, hoa tiêu thì ngon hết sẩy!” Dứt lời, anh bảo người nhà tìm mấy cái sọt, rá đang bằng trúc gì đó, nói rằng có thể dùng nó để bắt cá. Tôi vừa nhìn thấy mấy thứ này, hai mắt sáng rực, hăng hái cằm hai cái sọt tre đi về phía bờ sông.

Muốn đến được bờ sông phải đi trên bờ ruộng bậc thang chật hẹp quanh bờ sông. Tôi đã nhiều năm không đến vùng nông thôn, lúc đi trên bờ ruộng nhìn hai bên nào là lúa nước, hoa cải phấp phới, tâm tình rất thoải mái, vui vẻ. Ngay lúc tôi sắp xuống bờ sông, tôi thấy có một bác gái chừng năm, sáu mươi tuổi đang đi tới.

Mái tóc vừa đen nhánh vừa dài của bác gái được búi trên đầu hơi lệch, trên búi tóc cắm một chiếc trâm bạc. Bà mặc một chiếc váy dài màu đen, đi chân trần, quần bên trong xắn lên tới đầu gối. Trên lưng bác gái mang một chiếc giỏ tre, trong giỏ chứa đầy các loại cây cỏ, cũng chẳng biết đó là loại cây gì. Ngoài ra, trên tay bà còn cầm hai cái sọt không khác mấy hai cái sọt trên tay tôi. Tôi thấy sắc mặt bác gái hồng hào, bước chân linh hoạt. Bà đã lớn tuổi như vậy mà vẫn có thể đi chân không leo núi, xuống sông bắt cá. Tôi nhất thời cảm thấy kính nể.

Hai bên gặp nhau, tôi cố gắng hết sức đứng bên mép bờ ruộng, nhường đường cho bác gái đi qua. Bác gái thấy tôi lạ mặt, lại ăn mặc quần áo người thành phố, đưa ánh mắt có chút cổ quái nhìn ngó tôi. Tôi vốn là người hòa nhã, thấy bác gái nhìn tôi, tôi liền ngoác miệng cười với bà, nói lớn: “Chào bác, sắc mặt bác thật tốt, năm nay bác bao nhiêu tuổi rồi ạ?”

Bác gái dường như không hiểu tôi đang nói gì, đưa mắt nhìn tôi, thì thầm vài câu tiếng địa phương của người dân tộc thiểu số. Tôi chào bác gái bằng động tác cơ thể, sau đó lại chỉ chỉ mặt, rồi bật ngón cái lên với bà. Cái này, bác gái dường như đã hiểu, bà cười sang sảng với tôi, còn nói vài câu tiếng địa phương. Sau đó, bà cũng ra hiệu bằng tay, ý tứ có vẻ là nói bà năm nay đã bảy mươi ba tuổi.

Ôi trời ơi, bảy mươi ba tuổi á? Bảy mươi ba tuổi mà còn có thể xuống sông bắt cá? Tôi hết sức bội phục nhìn bà, chỉ tóc, nói với bà: “Nhìn bà thật sự còn rất trẻ! Tóc lại đen dài! Sắc mặt hồng hào!”

Bác gái cười với tôi, còn nói gì đó mà tôi không hiểu. Sau cùng, bà lấy từ trong cái giỏ kia ra một cây cỏ không biết là cây gì đưa cho tôi. Bà ra hiệu với tôi, đem cây cỏ bà đã đưa gắn ở bên hông.

Mặc dù tôi không biết cái này có ý nghĩa gì, hay là phong tục nào đó, nhưng tôi cảm thấy bác gái là người tốt. Tôi làm theo lời bà, lấy nhúm cỏ bà cho tôi buộc lên phần dây thắt lưng trên quần jean.

Vừa mới chào bác gái, tôi liền thấy Triệu Khanh cũng đang xách theo hai cái sọt đi về phía tôi. Anh ta thấy tôi, như cười như không nói với tôi: “Cô thật đúng là người lúc nào cũng hớn hở hòa đồng, bất đồng ngôn ngữ không thể cản trở cô kết bạn làm quen. Hình như cô rất thích những nơi như thế này?”

Tôi đáp: “Đúng vậy, tôi thật sự rất thích sống trong rừng núi thế này. Chốc nữa phải nhờ anh Khưu hỏi giúp tôi, xem con cái nhà ai ở đây còn chưa lấy vợ, tôi dứt khoát lấy chồng ở đây luôn.”

Triệu Khanh liếc tôi một cái, vô cùng ung dung nói: “Lấy cô còn không bằng lấy con khỉ.”

Lúc anh ta nói những lời này, vừa hay đi đến bên bờ sông. Tôi nghe xong, liền nhấc chân cho anh ta một đạp. Chẳng ngờ, anh ta chân thấp chân cao, tôi lại đạp hơi mạnh, vừa tung ra cú đạp, Triệu Khanh liền ngã xuống sông. Cũng may sông này cũng không sâu lắm, còn chưa đến hông. Triệu Khanh chật vật vùng vẫy trong nước hai ba cái, rất nhanh đã đứng thẳng dậy. Anh nhanh chóng lau nước trên mặt, không nói câu nào chỉ nhìn chằm chằm tôi đang đứng trên bờ sông.

Tôi biết, lúc này tôi không hành động thì anh ta cũng sẽ ra tay. Vì vậy, tôi không nói lời nào, tự cởi giày rồi nhảy xuống nước. Toàn bộ quần áo của tôi đều ướt đẫm, hẳn anh ta cũng hết cách với tôi. Có điều, chuyện khiến tôi không ngờ chính là dưới sông đều là những viên sỏi nhỏ, đâm vào chân vô cùng đau. Tôi vừa mới nhảy xuống sông đã đứng không vững, bị cạnh đá cắt một phát kêu lên thảm thiết. Triệu Khanh bị tôi đạp rớt xuống nước trong khi còn chưa kịp cởi giày, thấy tôi kêu la như giết lợn, anh ta cười nhạo một tiếng.

“Đáng đời.”

Đúng như anh Khưu đã nói, trong sông rõ ràng có rất nhiều cá diếc đồng. Những con cá này tập hợp thành đàn dài, cả đám đen kịt bơi qua bơi lại, thoạt nhìn vô cùng đẹp mắt. Tôi cùng Triệu Khanh cầm những giỏ tre úp những con cá này, sau đó xỏ tay qua một cái lỗ trên giỏ trúc vào bắt cá ném vào cái giỏ trúc còn lại để trên bờ sông. Sau khi chúng tôi bắt cá xong, thì lên lật những tảng đá trên bờ sông để bắt cua. Từ đầu giờ chiều, cả buổi bắt cá kéo dài bốn, năm tiếng, chúng tôi đạt được thành quả đáng kể.

Đợi chúng tôi bắt cá và bắt cua xong lên bờ, Triệu Khanh nhanh chóng cởi chiếc áo thun trên người xuống, ra sức vắt nước trên quần áo ra. Anh ta quay lại thấy tôi đang ngây ngốc nhìn nửa người trên trần trụi của anh ta, cười khẩy nói: “Cô có thể thu lại ánh mắt như con sói đói của cô một chút không? Mấy đứa bé người Đồng thấy cô như thế sẽ sợ đấy.”

Tôi khinh khỉnh trừng anh ta một cái. Thật ra lúc đó tôi rất muốn làm một việc, đó chính là cũng muốn cởi áo của mình ra để vắt nước. Chỉ có những lúc như thế này, tôi mới thấy làm đàn ông thật tốt.

Thành quả phấn đấu cả buổi chiều của tôi và Triệu Khanh đã làm phong phú thêm bàn ăn của chúng tôi. Canh cá diếc đậu hũ, cá kho keo, cá chiên giòn cay, cua rang muối tiêu, gà rừng nấu măng, tất cả đều lấy nguyên liệu quanh đây vô cùng tươi ngon. Đại khái, cả buổi chiều mò cua bắt ốc, cho nên tôi vô cùng đói, bữa cơm này hết sức ngon miệng.

Sau khi ăn xong, Triệu Khanh hỏi tôi: “Vừa rồi ở bờ sông, sao không thấy cô bị muỗi đốt?”

Lúc anh nói những lời này, tôi mới chú ý đến hơn mười vết muỗi đốt trên đùi và cánh tay của Triệu Khanh. Muỗi ở nông thôn đặc biệt độc, mỗi chỗ bị muỗi đốt liền sưng lên một cục. Anh ta nói, những vết đỏ này đều là do trên đường về sau khi bắt cá xong, lúc trên bờ ruộng bị muỗi đốt. Tôi cười hớn hở, vô cùng đắc ý, bởi vì trên đường về tôi không bị con muỗi nào cắn.

Triệu Khanh có nhóm máu AB, tôi là nhóm O. Theo lý thuyết mà nói, nhóm máu O luôn là đối tượng bị muỗi đốt. Bình thường trong một nhóm người, người bị muỗi cắn luôn là tôi. Nhưng hôm nay không hiểu vì sao sau bữa cơm tối có rất nhiều người đều bị muỗi đốt, chỉ riêng có mình tôi lại không bị cắn miếng nào. Lúc này, tôi bỗng nhớ đến nhúm cỏ mà bác gái kia đã đưa cho tôi ban chiều. Tôi hỏi anh Khưu, tôi không bị muỗi đốt có thể là nhờ mớ cỏ cột bên hông của tôi hay không. Anh Khưu đến gần, cẩn thận nhìn mớ cỏ được cột bên hông của tôi, vô cùng kinh ngạc nói: “Đây là một loại cỏ độc, chất dịch bên trong cây cỏ này có kịch độc, nhưng cũng có công hiệu xua đuổi côn trùng hiệu quả. Loại cỏ này khi anh còn bé còn rất nhiều, nhưng bây giờ rất hiếm thấy, em tìm được loại cỏ này ở đâu thế?”

Tôi kể chuyện đã gặp bác gái kia bên bờ ruộng cho anh Khưu nghe. Tôi thầm nghĩ, bác gái đó thật tốt, biết là tôi đến bờ sông chơi nên cho tôi ít cây cỏ trừ muỗi. Tôi trước đây cũng có nghe nhắc đến, một số loại cây cỏ có công hiệu xua muỗi, không ngờ hiệu quả lại tốt như vậy, tốt còn hơn thoa tinh dầu khắp người. Nhưng anh Khưu sau khi nghe tôi miêu tả vị bác gái kia, sắc mặt liền tối đi.

Anh nói: “Lần sau em có gặp lại người đó, vẫn nên tránh xa ra mới tốt.”

Tôi hỏi anh Khưu sao lại nói vậy. Anh Khưu dùng vẻ mặt thần bí trả lời tôi: “Mọi người biết ‘Cổ thuật’ của người Miêu chứ? Bà lão đó là một người dân tộc Hắc Miêu, có thể phóng cổ. Trong làng có rất nhiều người biết điều này, bình thường không ai dám nói chuyện với bà ấy. Lúc anh còn nhỏ, bà nội của anh thường dặn anh, không được nói chuyện với người phụ nữ đó, nhìn thấy bà ta phải tránh xa ra.”

Cổ thuật là một môn nghệ thuật rất thần bí. Lão Khưu vừa nói xong lập tức khiến mọi người hứng thú. Trong lúc chúng tôi đang hứng khởi bừng bừng muốn anh Khưu kể một chút chuyện kỳ bí của vị cổ nữ kia, thì bỗng nhiên một nữ đồng nghiệp của tôi ôm bụng kêu đau.

Vị đồng nghiệp nữ này của tôi tên là Trần Doanh, mới hai mươi mấy tuổi. Sau khi tôi lấy được chứng chỉ trung cấp cố vấn tâm lý, thì cô ấy nhận công việc trước đây của tôi, đóng giữ tiền sảnh.

Trần Doanh là người thành phố, ngày thường rất thích chơi mạt chược, nhưng mỗi tháng tiền lương của cô ấy chỉ có hơn một nghìn đồng. Cô ấy cùng các đồng nghiệp trong trung tâm bày bàn mạt chược, chà bài, chơi một ván mười đồng hai mươi đồng. Cô ấy thua nhiều. Bàn mạt chược mới đánh một hai vòng, tiểu Doanh đã thua hơn hai trăm, không thể đánh tiếp nên tìm người khác thay cô ấy. Lúc đó, tôi và Triệu Khanh đã chạy đi bắt cá cua. Cô ấy cùng hai nhà tư vấn không đánh bài khác cảm thấy buồn chán, quyết định ra ngoài đi dạo, ngắm phong cảnh núi non hữu tình nơi đây.

Tiểu Doanh bọn họ không tới tìm tôi và Triệu Khanh, mà là đi từ cửa sau, hướng lên núi. Hơn bốn giờ chiều, nhóm người tiểu Doanh về tới căn nhà gỗ của anh Khưu. Lúc đó sắc mặt của tiểu Doanh đã không tốt, nói có hơi đau bụng, muốn vào phòng nghỉ ngơi. Mấy hôm nay, thức ăn của chúng tôi đều có vị cay, mọi người cho rằng có lẽ tiểu Doanh ăn nhiều món cay nên bị đau dạ dày. Anh Khưu còn chuẩn bị cho cô ấy một ly nước mật ong để uống.

Tiểu Doanh là một cô gái Tứ Xuyên. Con gái Tứ Xuyên từ xưa đến nay không bao giờ sợ cay, chỉ sợ không cay. Đối với món cay, bao tử không hề đau. Đừng nói chúng tôi cảm thấy kỳ lạ, ngay cả cô ấy cũng thấy kỳ quái. Lúc ăn tối, anh Khưu đến phòng gọi cô ấy dậy ăn cơm. Tiểu Doanh vẫn còn đau bụng, nhưng cô không muốn làm mọi người mất vui, vậy nên cô ấy cũng gắng ngồi dậy ăn cơm cùng với mọi người. Cô ấy không dám ăn món cay, chỉ ăn một ít đậu hũ và rau củ. Ngồi được một lúc, tiểu Doanh ngã xuống đất, mặt mày tái nhợt, trán lấm tấm mồ hôi, ôm bụng kêu đau không ngừng. Mọi người thấy thế đều sợ hãi, chỉ trách bản thân không chú ý đến tình trạng bất thường của tiểu Doanh.

“Có phải cô ấy bị viêm ruột thừa cấp tính không?”

Phản ứng của Triệu Khanh khi có chuyện xảy ra lại rất nhanh chóng, dứt khoát. Anh thấy tiểu Doanh ôm bụng kêu đau không dậy nổi, vội vàng đỡ cô ấy nằm ngửa trên mặt đất. Anh vén vạt áo thun của tiểu Doanh, để lộ ra chiếc bụng bằng phẳng của cô gái. Anh dùng đầu ngón tay ấn lên mấy chỗ khác nhau trên bụng tiểu Doanh, vừa ấn vừa hỏi:

“Chỗ này đau không?”

“Có…” Tiểu Doanh trả lời yếu ớt vô lực.

“Còn ở đây?”

“Cũng đau…”

“Chỗ này với chỗ vừa rồi, chỗ nào đau hơn?”

“Đều đau…”

Triệu Khanh ấn dưới bụng chỗ ruột thừa của tiểu Doanh, sau đó gõ gõ bụng của cô, tiểu Doanh đều kêu đau, nhưng phản ứng đều không quá mạnh, rất có thể là đau khắp bụng. Triệu Khanh ngẩng đầu nhìn đến nhà tư vấn nữ họ Xa trong trung tâm chúng tôi, lắc đầu với chị ấy.

“Tìm không thấy chỗ đau, cũng không có tiếng trống.”

Chị Xa trước đây từng là bác sĩ khoa nội trong bệnh viện. Chị ấy nhìn thấy phản ứng của tiểu Doanh dường như cũng đồng quan điểm với ý kiến của Triệu Khanh. Chị ấy gật đầu với anh: “Không giống viêm ruột thừa và viêm màng bụng, em ấn dưới dạ dày của em ấy thử xem.”

Triệu Khanh làm theo lời chị Xa, tay anh đè mạnh lên chỗ dạ dày của tiểu Doanh. Tiểu Doanh lập tức la lớn kêu đau. Cô ấy đẩy tay Triệu Khanh ra, ôm bụng lăn lóc trên mặt đất, còn không ngừng nôn khan.

Chúng tôi đều bị dọa hết hồn khi thấy phản ứng đau đớn kịch liệt của tiểu Doanh. Mặc dù triệu chứng của bệnh viêm dạ dày cấp tính cũng có đau đớn và nôn khan, nhưng phản ứng đau đớn của người bệnh không kịch liệt như thế.

Lúc đó, phó chủ nhiệm Y thấy tình trạng này, liền nói với Triệu Khanh: “Tiểu Triệu, cậu nhanh lái xe của cậu đến đây, anh thấy tiểu Trần với trạng thái bây giờ không nhanh đưa đến bệnh viện là không được, chậm trễ là chết.”

Chị Xa thấy thế cũng gật đầu nói: “Em và Triệu Khanh đưa cô ấy đến bệnh viện.”

“Lưu Đào, Quách Vĩ, Lưu Hân Dương, ba người các em đỡ Trần Doanh xuống lầu. Anh cũng đi lấy xe, cùng các em đến bệnh viện.” Viện trưởng Tiền cũng lên tiếng phân phó.

Tôi và hai nam thanh niên liền cố nâng đỡ Trần Doanh từ dưới đất đứng dậy, dìu cô ấy ra khỏi phòng. Triệu Khanh cũng tức tốc chạy xuống lầu lấy xe. Giữa lúc chúng tôi đỡ tiểu Doanh từ lầu hai xuống lầu một, tiểu Doanh bỗng nhiên mềm nhũn hai chân, ngồi chồm hổm xuống dưới. Sau đó, cô ấy “ọe” một tiếng, nôn đầy nước lên người tôi, rất muốn ói. Nhưng trong tình huống khẩn cấp như thế, tôi cũng chẳng quan tâm nhiều đến vậy, vội vàng nâng cô ấy dậy, tiếp tục xuống lầu.

Vì trên cầu thang không có bật đèn, tôi chỉ chú tâm bước đi, không hề để ý bãi nôn mà tiểu Doanh đã nôn trên người tôi. Thế nhưng, khi chúng tôi đã đỡ tiểu Doanh tới dưới mái hiên. Dưới mái hiên có bóng đèn thật lớn, chiếu rọi lên người tôi. Lưu Đào bên cạnh tôi trong lúc cô ý liếc mắt nhìn tôi, sợ hãi la lên.

“Lưu Hân Dương! Quần áo của chị!”

“Quần áo làm sao?” Không phải là tiểu Doanh ói ra thôi sao? Tôi thấy vẻ mặt kinh khủng của Lưu Đào, cúi đầu nhìn trước ngực mình một chút. Vừa nhìn thấy, thiếu chút nữa tôi đã sợ chết khiếp. Chỉ thấy trên ngực chiếc áo thun màu đen của tôi, bị tiểu Doanh nôn lên một bãi nhầy nhụa. Trên bãi nôn lưu lại trên quần áo của tôi mơ hồ có thể thấy cái gì đó nho nhỏ màu trắng sữa đang nhúc nhích, thoạt nhìn giống như là giòi, nhưng nhỏ hơn giòi, có chút giống sâu.

Da đầu tôi nhất thời tê rần, kêu “á” một tiếng. Tôi thả tay của tiểu Doanh ra, nhảy loạn xạ để lắc rớt thứ đó trong bãi nôn mửa khỏi quần áo của mình. Nhưng mà, tôi càng nhảy càng lắc lại càng phát hiện trong bãi nôn mửa của tiểu Doanh toàn là những con sâu nhỏ màu trắng này. Tôi càng sợ hãi hơn, cũng ngẩng đầu nhìn tiểu Doanh. Khóe miệng, trên áo của cô ấy cũng có rất nhiều con trùng nhỏ đó.

Lưu Đào và Quách Vĩ dường như cũng phát hiện ra điều này, bọn họ kêu lên sợ hãi, hành động giống như hai con nai bị dọa sợ. Trần Doanh đại khái cũng chú ý đến thứ bản thân mình nôn ra. Vẻ mặt cô ấy thể hiện thống khổ, ánh mắt ngạc nhiên. Dường như cô ấy muốn hét thật to, nhưng không có sức la lên…

“Trước tiên để tiểu Doanh ngồi xuống đất đã, gọi mọi người tới đây nhìn tình huống bây giờ đã.” Tôi nói, sai hai chàng trai kia ba chân bốn cẳng đặt tiểu Doanh nằm thẳng trước cửa nhà của anh Khưu. Sau đó, chúng tôi gọi phó chủ nhiệm Y đến, đứng chờ chị Xa và viện trưởng Tiền tới. Sau khi họ nhìn thấy những con trùng mà tiểu Doanh nôn ra, cũng đều sợ hãi la “Á” thật lớn, sau đó nhăn mày suy nghĩ.

Ký sinh trùng.

Lúc đó, suy nghĩ đầu tiên trong đầu tôi chính là cái này. Lúc tôi học tiểu học, trong lớp có một bạn học nam xanh xao vàng vọt. Cậu ấy bị giun đũa ký sinh tương đối trầm trọng. Có lần cậu ta nôn ra, trong đó có thấy con giun đũa to như chiếc đũa vậy, vẫn còn sống, hết sức buồn nôn! Sau khi xảy ra chuyện đó, toàn bộ quãng thời gian học tiểu học của cậu ta nhất thời rơi vào cảnh u ám, mặc dù chuyện này căn bản không phải lỗi của cậu ta.

Khi chị Xa cùng chủ nhiệm thấy chuyện này, phản ứng cũng không khác tôi là bao, đều cho rằng đây là ký sinh trùng. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra phán đoán này, cùng lúc cũng cảm thấy vô cùng lỳ lạ. Giống như chuyện tôi vừa kể, người mắc bệnh ký sinh trùng, cơ thể xanh xao vàng vọt, vẻ mặt tiều tụy. Nhưng cô nàng tiểu Doanh này trắng trẻo mập mạp, ngày thường cũng không nghe nói mắc bệnh gì. Mà bây giờ cũng không phải thập niên 90, trẻ con ở nhà trẻ bây giờ đều được cho uống thuốc xổ giun. Thông thường mà nói một người trưởng thành ở thành phố không thể nào xuất hiện tình huống này. Mà giun, trùng thường ký sinh ở ruột người, khi một người nôn ra nó thì tình trạng hiển nhiên là đã quá nghiêm trọng. Nó có thể lây từ đường ruột đến dạ dày, thực quản cũng bị lây. Cho nên với tình huống này, phó chủ nhiệm Y đưa tay sờ trán của tiểu Doanh một chút, sau đó ông nói: “Phát sốt, nóng ran. Nhanh nhanh đưa cô ấy đến bệnh viện.”

Đang lúc chúng tôi muốn nâng tiểu Doanh lên lần nữa, anh Khưu bỗng nhiên nói một câu: “Đợi chút…”

Anh hỏi Lưu Đào và Quách Vĩ: “Chiều nay hai cậu cùng Trần Doanh lên núi chơi, trên đường đi có xảy ra chuyện gì không?”

Khi nghe anh Khưu hỏi một câu như vậy, tôi cho rằng anh muốn hỏi bọn Trần Doanh có phải đã uống nước từ sông hồ nào đó tương tự hay không. Xin thứ lỗi cho tôi, năng lực suy đoán của tôi có hạn. Bởi vì trên thế giới hiện nay, nơi có tỷ lệ phát sinh bệnh ký sinh trùng cao nhất chính là châu Phi và Ấn Độ. Mà nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh ký sinh trùng chủ yếu chính là uống nước có vấn đề vệ sinh. Song tôi hiển nhiên không nghĩ đến cùng một vấn đề với anh Khưu. Bởi vì sau đó, anh ta lại bổ sung một câu:

“Có phải các cậu đến một căn nhà gỗ nhỏ trên núi không?”

Nghe thấy anh Khưu hỏi như vậy, vẻ mặt của Lưu Đào và Quách Vĩ có chút đờ người, hai cậu ta kêu “á” một tiếng sợ hãi, liên tục gật đầu. Thấy họ đưa ra đáp án khẳng định, vẻ mặt của anh Khưu trở nên vô cùng khó coi.

“Các cậu đã vào căn nhà đó?” Anh Khưu lại hỏi.

Lúc này, Lưu Đào và Quách Vĩ lắc đầu lia lịa. Lưu Đào nói: “Bọn em chưa vào căn nhà kia, nhưng mà… Nhưng mà bên ngoài căn nhà, Trần Doanh đã cãi nhau một trận với người ta.”

Trong trung tâm của chúng tôi, tỷ lệ nam nữ mất cân đối nghiêm trọng, nam nhiều nữ ít, hơn nữa đồng nghiệp nữ trong trung tâm đa phần đã kết hôn. Toàn bộ trung tâm, phụ nữ chưa kết hôn đồng thời không có bạn trai, chỉ có hai người là tôi và Trần Doanh. Tôi, tất cả mọi người đều biết rồi đó, tướng mạo không làm người xem quá thất vọng, tính tình hơi thô tục, là một cô gái lớn tuổi. Cô gái Trần Doanh trắng trẻo xinh đẹp sinh sau năm 90, mặc dù tính tình không tốt lắm, nhưng vẫn trở thành mục tiêu theo đuổi của các chàng trai trong trung tâm chúng tôi. Trong đó đương nhiên có Lưu Đào cùng Quách Vĩ, có thể xem là hai tuyển thủ hạt giống có phần thắng trong trận chiến này.

Chiều hôm nay, thấy Trần Doanh thua tiền, sau khi hạ bài muốn ra ngoài hóng gió một lát, Lưu Đào và Quách Vĩ đi theo sau, âm thầm tranh đấu. Tôi đoán rằng bản thân Trần Doanh cũng rất hưởng thụ cảm giác có hai người đàn ông giành giật mình. Cho nên cô ấy không muốn đến bờ sông chơi cùng tôi và Triệu Khanh. Chuyện yêu đương mà, sợ nhất chính là có nhiều người.

Lưu Đào nói, lúc đó bọn họ ra đường cửa sau nhà anh Khưu đi theo đường bờ ruộng, chậm rãi đi lên núi. Đang giữa mùa xuân, giữa những đồng ruộng trên núi đều có hoa dại nở rộ. Trong bí kíp cua gái của hai vị Lưu Đào và Quách Vĩ, lập tức đã nghĩ đến tiết mục hái hoa tặng mỹ nhân. Hai người họ đua xem ai hái hoa nhiều hơn, xem ra họ chỉ chú tâm hái hoa, không ai chú ý chuyện ngắm cảnh núi rừng. Trần Doanh ngược lại còn bị bọn họ bỏ lại phía sau.

Trên núi có một căn nhà gỗ nhìn qua rất cũ nát, bọn họ tưởng là nhà vệ sinh hay chuồng bò. Họ cũng không quá dể ý đến, tiếp tục đi lên núi. Ngược lại, Trần Doanh lại thấy trước căn nhà kia có rất nhiều hoa dại, liền đứng lại ngắm. Khi Lưu Đào và Quách Vĩ từ trên núi xuống với bó hoa dại lớn trên tay, thậm trí còn hái được nấm cây nấm rừng quay trở lại, thì thấy Trần Doanh đang đứng cãi nhau với một người phụ nữ trước căn nhà gỗ.

Trần Doanh nói tiếng phổ thông, còn người kia nói tiếng địa phương, hai cậu ấy cũng không biết hai người kia đang cãi nhau vì chuyện gì. Ngôn ngữ bất đồng, hai người không khuyên được người phụ nữ địa phương kia, chỉ có thể khuyên Trần Doanh. Nói là làng này không lớn, đều là đồng hương của anh Khưu, mặc kệ là có chuyện gì cũng đừng có cãi cọ, nhanh đi khỏi đấy thôi. Trần Doanh rất không vui, bị Lưu Đào và Quách Vĩ lôi kéo đi về.

Trên đường về, Trần Doanh nổi giận đùng đùng kể với Lưu Đào và Quách Vĩ rằng bà già kia bệnh tâm thần. Cô ấy thấy trong vườn của căn nhà gỗ kia có một cây hoa bươm bướm rất đẹp giữa rừng hoa, liền lấy điện thoại ra chụp lại. Sau đó, hình như cô ấy không chú ý nên giẫm lên cây cỏ hay là rau gì đó trước hiên nhà. Bác gái kia thấy thế liền xông lên lầm bầm chửi cô ấy, đặc biệt hung dữ, cho nên cô ấy cùng người ta cãi nhau ầm ĩ cả lên.

Vì đó cũng chẳng phải là chuyện gì lớn, nên Lưu Đào và Quách Vĩ cũng không bận tâm. Họ vội vàng đưa bó hoa dại hái trên núi tặng người đẹp, hi vọng người đẹp mau nguôi giận. Nhưng Trần Doanh vẫn mất vui, xoay người giận dỗi bỏ đi. Bọn họ theo đường cũ xuống núi. Lúc sắp về tới nhà anh Khưu, sắc mặt Trần Doanh khá tệ, nói bụng hơi đau.

“Trời ơi! Sao các cậu lại đi trêu chọc bà ấy!” Nghe Lưu Đào kể xong, anh Khưu dường như xác nhận suy đoán của anh ta. Anh vừa tức giận vừa vội nói: “Người phụ nữ kia là “cổ nữ” có tiếng ở ngôi làng chúng tôi, bà ấy có thể phóng cổ. Các cậu gây gổ với ai không gây, lại đi gây với bà ấy! Còn nữa, căn nhà gỗ trên núi kia, đến người nơi đây cũng không dám tới gần, đó là căn nhà bà ấy nuôi cổ!”

Đây là lần thứ hai tôi nghe thấy cụm từ “cổ nữ” từ miệng anh Khưu, tôi lập tức hiểu rõ. Người đã cãi nhau trên núi với Trần Doanh hẳn là bác gái mà tôi đã gặp bên bờ sông lúc trước. Anh Khưu nói bệnh trạng kiểu này của Trần Doanh, anh đã thấy một lần khi còn bé. Năm đó trong làng có một người đàn ông, đại khái do anh ta có uống chút rượu, đùa cợt với phụ nữ, hơn nữa người phụ nữ anh ta đùa cợt là một người phụ nữ người dân tộc Hắc Miêu vừa mới mất chồng chưa được bao lâu. Sau khi về nhà, người đàn ông kia bị đau bụng, rồi lên cơn sốt, sau đó còn nôn mửa từng trận. Trong đồ nôn ra cũng giống như vậy, có những con trùng màu trắng sữa bò lúc nhúc. Khi ấy, người trong làng đã nói, người đàn ông kia đã bị người phụ nữ Hắc Miêu hạ cổ.

“Người đàn ông đó sau này thế nào hả, anh Khưu? Có trị khỏi không?”

Anh Khưu lắc đầu nói: “Bệnh viện trên thị trấn cũng chịu bó tay, lại phải đưa về nhà, không chỉ nôn ra trùng, còn nôn ra máu nữa…”

Anh Khưu còn chưa nói xong, Trần Doanh ôm bụng đau nằm trên đất bỗng nhiên “ọe” một cái, nôn ra. Nếu như nói lúc trước Trần Doanh chỉ là nôn ra trong đó có những con trùng loi nhoi, thì lúc này đây cô ấy nôn ra ngoài mật ra, cũng chỉ còn đống trùng nhỏ màu trắng sữa loi nhoi lúc nhúc. Cô ấy vừa mới ói một ngụm, lại nôn khan mấy lần nữa. Tất cả mọi người đều hoảng sợ, vội hỏi anh Khưu phải làm gì bây giờ.

“Còn có thể làm gì nữa?” Anh Khưu chau mày ủ dột nói: “Chỉ có thể lên núi tìm cổ nữ kia, nhận lỗi với người ta, nhờ người ta rút cổ ra giúp cô ấy.”

Chị Xa đến cửa làng gọi bọn Triệu Khanh về đây trước, còn anh Khưu lại lên phòng lấy mấy cây đèn pin. Anh ta kêu Lưu Đào và Quách Vĩ đem Trần Doanh đang thoi thớp trên đất quay về phòng. Bản thân anh lại kéo tôi đi cùng với anh. Chúng tôi đi ra từ cửa sau của căn nhà, dọc theo bờ ruộng lên núi. Trên đường, anh Khưu nói với tôi: “Lưu Hân Dương này, hai chúng ta lên núi tìm cổ nữ kia trước. Chiều hôm nay, vị cổ nữ kia đã cho em nhúm cỏ trừ muỗi, nói vậy bà ấy không ghét em. Lúc nữa, anh sẽ phiên dịch, em hãy cầu xin bà ấy, mời bà ấy giúp Trần Doanh rút cổ ra.”

Tôi nói: “Anh Khưu, anh xác định người Trần Doanh chọc giận và người em gặp hồi chiều là cùng một người sao?”

Anh Khưu thở dài một hơi, đáp: “Người như vậy em nghĩ có nhiều lắm sao? Đi nhanh nào, nhanh lên.”

Khi tôi cùng anh Khưu chân thấp chân cao đi đến trước căn nhà gỗ trên núi kia, tôi thấy từ cửa sổ căn nhà đơn sơ kia phát ra ánh sáng le lói, xem ra là có người bên trong. Tôi nhỏ giọng hỏi anh Khưu: “Người ta sẽ nể mặt em sao?” Anh Khưu lúc đó khẽ cười nói với tôi một câu: “Mặt em lớn, da của em cũng dày, đi thôi.”

Sau khi được anh Khưu khích lệ, tôi vẫn thấp thỏm bất an tới gần căn nhà gỗ. Tôi còn chưa kịp gõ cửa thì đã nghe trong phòng truyền ra tiếng một giọng nữ. Bà ấy nói tiếng dân tộc, tôi nghe không hiểu. Nhưng chỉ cần nghe giọng điệu, đối phương dường như không mấy vui vẻ khi nửa đêm có người đến quấy rầy.

“Bác gái! Là con, bác hồi chiều đã cho con cây cỏ ấy, con đến để cảm ơn bác!” Lúc đó tôi quay vào cửa nói lớn. Tôi vừa dứt lời, cửa phòng liền mở ra. Người mở cửa là bác gái tôi đã gặp vào buổi chiều. Nhưng mà, lúc này hình như bà đã thay một bộ quần áo khác. Màu áo vẫn là màu đen, quần đen, nhưng trên cổ tay áo và cổ áo có thêu hoa văn, nhìn màu chỉ thêu đã bạc màu, bộ quần áo này e là đã rất cũ rồi.

Bác gái thấy người đến là tôi, sắc mặt tốt hơn một chút, thoạt nhìn không quá hung hăng, thậm chí còn có phần tươi cười. Bà đưa mắt nhìn anh Khưu đang đứng sau lưng tôi, lẩm bẩm nói vài câu phương ngữ. Mà anh Khưu cũng trả lời bà hai câu. Nghe giọng điệu của anh Khưu, hình như là đang cầu xin bà. Nhưng người phụ nữ này dường như không thích anh Khưu. Bà ấy lạnh lùng nhìn anh Khưu, lại lẩm nhẩm nói đôi ba câu, nét mặt thậm chí còn không vui.

Tôi thấy tình cảnh như vậy, vội nói với bà: “Bác gái, tại bờ sông vào chiều hôm nay, cảm ơn bác đã cho con nhúm cây cỏ xua muỗi đó, con cảm thấy bác rất tốt bụng. Con có một người bạn, cô ấy xảy ra chút chuyện, anh Khưu nói bác là người có bản lĩnh có thể giải quyết chuyện này. Cho nên con thay mặt bạn con xin bác giúp đỡ. Lúc trước, cô ấy không biết nên đã đắc tội với bác. Nhưng cô ấy còn trẻ, khó tránh đối nhân xử thế chưa được chu đáo. Mong bác đại nhân đại lượng chớ trách người dưới. Bác có thể giúp cô ấy một tay được không ạ?”

Tôi nói xong, quay đầu nói với anh Khưu: “Cứ theo lời của em nói cho bà ấy nghe đi.”

Anh Khưu gật đầu, thì thầm dịch lại nửa buổi. Sau khi bác gái kia nghe xong, liền quay đầu nhìn tôi. Tôi cười cười với bà, hai tay tạo thành dấu chữ thập, rồi động tác cầu xin một người.

Bác gái suy nghĩ một lát, sau đó nở nụ cười. Bà lại quay sang nói gì đó với anh Khưu. Tôi không biết bác gái đã nói gì, nhưng anh Khưu nghe xong những lời này dường như rất khó xử. Anh liếc nhìn tôi, lại nói: “Bà ấy nói Trần Doanh đã giẫm nát thảo dược của bà ấy, đã không biết áy náy lại còn dùng lời nói khó nghe đả thương người khác, bà ấy chỉ trừng phạt nhẹ thôi. Muốn bà ấy giúp Trần Doanh rút cổ ra cũng được, nhưng bà ấy có một điều kiện…”

“Điều kiện gì ạ?”

Bà ấy… Bà ấy muốn em tối nay ngủ lại một đêm trên núi với bà ấy.” Anh Khưu vô cùng lúng túng nhìn tôi.

Điều kiện mà bác gái đưa ra, khiến tôi rất kinh ngạc. Tôi nhìn bác gái, rồi lại nhìn anh Khưu một lát, không biết có nên đáp ứng chuyện này hay không. Nếu bác gái này chưa từng hạ cổ với Trần Doanh, tôi cũng chưa từng tận mắt chứng kiến những con trùng mà Trần Doanh đã không ngừng nôn ra. Thì ngủ với một bác gái người Miêu trên núi một đêm cũng chẳng sao. Thế nhưng, tôi đã tận mắt chứng kiến những thứ đáng sợ Trần Doanh nôn ra, thậm chí bây giờ trên quần áo của tôi vẫn còn dính mấy thứ đó. Đối mặt với người đã khởi xướng những chuyện này, trong lòng tôi khó tránh khỏi có phần vướng mắc.


/24