Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 3: Lộ hùng tâm, Lý Tĩnh tế Tây Nhạc, Bịa sấm ngữ, Trương Hành hại Lý Uyên

/100


Từ rằng:

Anh hùng chí khí

Tìm thẳng thần tiên cầu cát triệu mưa gió đầy trời

Chẳng nên rồng thật cũng loài rồng

Phao sấm gây oan

Mong hại Đường Công cùng Lý tộc

Tìm soi gốc Lý

Cười cây khô sao chẳng đâm chòi, lan hoa.

Theo điệu "Giảm tự Mộc Lan Hoa"

Từ trước tới nay, việc lành dữ họa phúc của một nhà một nước quan hệ ở mệnh trời, nhưng phần không nhỏ cũng bởi người, đã có định số, thì phải có điềm triệu, nếu biết lo sợ mà tu tỉnh thì vẫn có thể chuyển họa thành phúc. Cho nên nói rằng mầm xấu do người sinh, nhưng người cũng có thể giảm, nếu lòng người vẫn ôm giữ sự đố kỵ, cố nuôi gốc loạn, thích sự giết chóc, khiến kẻ gian thừa cơ, nghĩ mưu hại người, thì mối lo vẫn đó, cái gốc của tai họa vẫn còn.

Giờ nói chuyện vua Tùy, mộng thấy nước lụt ngập kinh thành, trong lòng thầm nghi kẻ gây nên nỗi họa là kẻ mà tên họ có mang "bộ thủy", là họ chỉ về sự nước nôi. Trong triều lúc này, có một lão thần là Thành Quốc Công Lý Hồn, nguyên là huân lão của nhà Trần cũ nhà Trần đổ về hàng nhà Tùy, vẫn được giữ tước Thành Quốc Công như xưa. Vua Tùy bỗng nghĩ: "Chữ "hồn" là gồm chữ "quân" cạnh "bộ thủy", tước phong lại là Thành Quốc Công, "thành" lại cũng là kinh thành. Vả lại "quân" là chỉ việc binh, không phải người này gây họa thì còn ai nữa. Nhưng tuổi đã già, không còn đủ sức nắm binh quyền, chẳng thể làm nên chuyện gì, trừ phi điềm ứng vào con cháu của y mà thôi". Liền hỏi tả hữu:

- Lý Hồn có mấy người con, tên tuổi ra sao?

Tả hữu tâu:

- Tâu bệ hạ, con trưởng Lý Hồn đã chết, chỉ còn con út, tên là Hồng Nhi.

Vua Tùy nghe tên Hồng Nhi lại càng nghi hoặc, nghĩ: "Trong mộng ta thấy kinh thành có cây, cây là "mộc", cây có quả. Quả là con của cây, quả là "tử", "mộc" với "tử", ghép thành chữ "lý". Nay nhà họ Lý lại có tên là Hồng, đúng như chữ "hồng" là lụt lớn, hệt trong mộng của ta. Đứa trẻ này mai sau không lợi cho nước nhà, nhất thiết phải trừ."

Vua sai ngay nội thị đem thủ sắc đến tận nhà họ lý, ban lệnh giết Hồng Nhi. Lý Hồn vì quân mệnh bức bách, không thể không theo. Đáng thương cho Hồng Nhi, vô cớ mà thiệt mạng, cả nhà gào khóc. Đời sau có người làm thơ than:

Văn Vương trên cao đài

Nằm mơ được tướng tài

Vua Sở Vu Sơn mộng

Dương Đài sánh cùng ai

Buồn thay Tùy Cao Tổ

Ác mộng sinh thủy tai

Giết người mong yên vị

Nhà Tùy đổ nay mai.

Vua Tùy nghi ngờ giết trẻ nhỏ nhà họ Lý, việc này truyền đi, làm kinh động cả chín châu. Có một người họ Lý, tên Tĩnh, hiệu Dược Sư, quê ở Tam Nguyên, túc trí đa mưu, tinh thông binh pháp, quen việc lên ngựa bắn cung, đáng bậc văn võ toàn tài, cha mẹ mất từ lúc nhỏ, được nuôi nấng bên họ ngoại. Hàn Cầm Hổ chính là cậu ruột của Lý Tĩnh. Cầm Hổ bàn binh pháp với Lý Tĩnh, thấy tài năng sớm phát của cháu, thường ca ngợi:

- Đáng nói chuyện binh pháp với Tôn Vũ, Ngô Khởi, không người này thì còn ai nữa!

Dù chưa làm lễ gia quan 1, nhưng đã có trí lớn, thấy nhà Tùy dùng hình pháp tàn bạo, cho là thời vận của nhà Tùy chẳng còn được bao lâu, lại nghe vua Tùy đoán mộng nên giết người, Lý Tĩnh cười thầm nghĩ: "Bậc vua chúa không thể nào chết, nên dù có giết thế cũng chẳng ích gì". Lại nghĩ: "Cứ như trong mộng thấy cây sinh quả, thì đúng là chữ Lý rồi, nước lụt ngập trời, là điềm thiên hạ loạn lạc lớn. Mai này người có được chín châu phải là người họ Lý". Từ đó Lý Tĩnh không khỏi nghĩ tới mình.

Lần ấy, bỗng có việc đi Hoa Châu, Lý Tĩnh phải qua đường núi Hoa Sơn, nghe nói thần núi này là Tây Nhạc đại vương rất linh ứng, Lý Tĩnh bèn sắm đủ đèn hương, tìm đến miếu bái yết, lại thầm khấn một bài sớ sau đây:

Lý Tĩnh áo vải, chẳng lường cuồng vọng

Sớ dâng trước điện, Tây Nhạc đại vương.

Tĩnh nghe.

Trên trong dưới đục, rõ chia trời đất lưỡng nghi

Ngày trắng đêm đen, vốn phân thần dân nhất đạo.

Lại nghe:

Thông minh chính trực, người vốn riêng theo

Thành trí cảm thần, trời cho yên vị.

Cúi trông:

Đại vương ngôi cao đức cả, uy trấn hiên ngang

Phép thiêng ngự trị bách thần, danh hùng tú nhạc.

Vậy nên:

Lập tượng xây đền, nghiêm giữ một phương

Sáng đức nổi danh, bốn mùa tế tự.

Tuôn mưa nổi gió, trên dưới nguyện theo

Chuyển dữ thành hiền, cửa muôn kẻ đến.

Tĩnh nay:

Tiến không đất dụng, thoái chẳng cứu dân

Thở than nào khác cá hèn ao cạn

Đứng ngồi y hệt chim mất rừng thưa

Vũ trụ ngữa nghiêng, mịt mù xã tắc

Lòng những rầu rầu, chí luôn áy náy

Gian hùng đua nổi, quận huyện nát tan

Những mong thấy nghĩa dấn thân

Lại được mây chùi sấm quét

Chém kình nghê cho yên bốn biển

Cuốn lam chướng để sạch chín châu

Cứu vạn dân sống lại

Vớt muôn vật nổi chìm

Cũng chỉ là ứng thiên thuận thời mà hành động

Những mong cho trên ngóng dưới nhìn mà yên tâm

Bao phen lăm cầm kiếm vung gươm

Ý còn chờ mây lành rồng hiện

Dâng lòng trung nghĩa, nghiêng thân cứu thế

Mong thần chứng giám, dãi dạ can trường.

Tĩnh mong:

Mách dùm tiến thoái thời cơ

Chỉ hộ phế hưng nguồn gốc

Chọn thời đua đức

Giống trống khua chiêng

Nếu như ba đài không ứng

Lẽ nào thần pháp còn thiêng.

Tĩnh này:

Trảm đại vương chi đầu, tìm lẽ phế hưng

Thiêu đại vương chi điện, truy đường tiến thoái

Cũng là chưa muộn

Xin thần chứng cho.

Khấn xong, lại lẩm nhẩm thử gieo một quẻ: "Ta là Lý Tĩnh, nếu có phận làm thiên tử, thì xin Đại Vương cho một quẻ". Lạ lùng thay, cả hai đồng tiền đều dựng đứng trên nền điện. Lý Tĩnh hoang mang lại nhặt gieo lần nữa, vẫn như trước. Thấy vậy Lý Tĩnh nổi giận đùng đùng ưỡn ngực, đập bàn quát lớn:

- Lý Tĩnh này nếu không có đại phúc thì sinh ra thân này làm gì. Còn thần thông tuệ, đã hỏi là đáp, sao đã hai lần gieo quẻ, âm dương chẳng phân biệt. Nay ta lại gieo lần thứ ba nữa, nếu không hiển ứng rõ ràng, ta sẽ chém đầu, đốt miếu!

Nói xong lại gieo quẻ. Cả hai đồng tiền xoay tít một lúc rồi nằm yên, nhìn ra thì được quẻ dương. Lý Tĩnh thầm nghĩ: "Dương là tượng trưng cho vua, cũng là điềm lành vậy". Lý Tĩnh thu dọn xong xuôi, vái dài rồi ra khỏi điện. Lúc này những người có mặt, thấy Lý nói lảm nhảm, toàn những lời nửa điên nửa tỉnh, chê Lý khinh nhờn thần thánh, cũng có kẻ cho Lý là phường điên dại. Cũng là "yến tước sao hay hồng hộc chí", mà thôi.

° ° °

Lại nói Lý Tĩnh đêm hôm đó ở phương trượng mộng thấy thần nhân đội mũ, cầm giản, áo đen, đai nhỏ đưa cho Lý một tờ giấy vàng, nói:

- Ta là phán quan Tây Nhạc, vâng mệnh Đại Vương, đưa ngài tờ giấy này, sự nghiệp cả đời ngài, đều ghi rõ trong đó.

Lý Tĩnh cầm lấy, mở ra xem, chỉ thấy trên giấy viết:

Nam quốc hãy dừng lưu lạc

Tây phương sẽ gặp chuyện kỳ

Với người tơ hồng chân buộc

Việt phủ cưỡi phượng nhất thời

Đường đời đi tìm kim mã

Nên nhà nhờ ở dương cung

Cờ một cuộc biết chân long

Lấy trời Nghiêu nâng mặt nhật.

Lý Tĩnh xem mấy lần, cố nhớ kỹ. Phán quan nói tiếp:

- Mọi việc đều có số mệnh, không thể cuồng vọng, cũng không thể vội vã mà phải đợi thời cơ đến mới có thể làm, chọn chủ mà thờ, đừng lo rồi sẽ không phú quý.

Nói xong không thấy đâu nữa, Lý chợt tỉnh, mọi chuyện nhớ như in, thầm nghĩ: "Xem ra ta không có số thiên tử, chỉ làm được kẻ giúp đỡ một vị chân chúa nào đó thôi. Những lời thần phán, phải chờ ứng nghiệm dần". Từ đó, Lý cũng nguôi dần ý muốn đồ vương đoạt bá, mà chỉ yên phận đợi thời, Chính là:

Giờ thời hãy tạm nhún nhường

Còn bằng thỏa chí, ai lường mai sau.

Một hôm, Lý Tĩnh đi thăm bạn ở vùng Vị Nam, nghỉ lại quán trọ bên đường, nhàn rỗi, cưỡi ngựa ra ngoài rừng đi săn cho khuây khỏa. Lúc này là cuối xuân đầu hạ, nhà nông đang bận rộn ngoài đồng, lại thêm lâu nay hạn nặng, ruộng nương khô cứng, nên lại càng khó nhọc. Lý lang thang mãi cũng đã mệt, mới xuống ngựa xin một bác nông phu nước uống. Bác ta thấy Lý có vẻ bậc quan nha, không dám coi thường, gọi vợ về nhà pha một ấm trà mang đến mời Lý.

Lý uống xong, cảm tạ rồi lại lên ngựa đi, bỗng thấy một con thỏ chạy men sườn núi. Lý giục ngựa đuổi theo thỏ hết rẽ phải lại ngoắt trái, cứ lúc ẩn lúc hiện phía trước, Lý không tài nào đuổi kịp mới bắn một mũi tên, thỏ mang cả tên mà chạy, Lý lại càng cố, chẳng biết đã theo hết bao đường đất, thì không thấy thỏ đâu nữa, quay ngựa trở về thì chẳng còn nhớ đường, đành mặc "ngựa theo đường cũ" mà về.

Trời đã gần tối, Lý buồn phiền nghĩ: "Trời tối, đường nhiều ngã, biết tìm chỗ nào ngả lưng đêm nay"?. Đưa mắt nhìn quanh, thấy phía rừng xa trước mắt điện các nguy nga, Lý nghĩ: "Đường kia có nhà rồi, hãy tìm đến ngủ nhờ đêm nay". Nghĩ rồi giục ngựa nhằm phía trước mà đi.

Tới nơi, nhìn ra thì là một biệt thự lớn, lúc này trời đã tối, cửa lớn đóng chặt, Lý xuống ngựa gõ mạnh vào cửa, một người đầy tớ già ra hỏi. Lý đáp:

- Ta bị lạc trong rừng, trời tối chẳng tìm ra lối, xin ngủ nhờ một đêm nay.

Người đầy tớ già đáp:

- Các cậu chủ đi vắng, hiện chỉ còn Lão phu nhân ở nhà. Đợi già vào thưa lại, nếu phu nhân bằng lòng sẽ xin mời vào.

Lý đem ngựa buộc vào gốc cây, đứng dựa vào cửa chờ. Không lâu có tiếng ở bên trong gọi:

- Lão phu nhân mời khách vào.

Lý xốc áo bước vào, bên trong thấy đèn đuốc sáng trưng, tòa ngang dãy dọc, nhìn không khắp. Chỉ thấy:

Cột sơn cửa chạm, rèm rũ màn che

Trong nhà la liệt, quáng mắt của lạ vật kỳ

Trên bàn lấp lánh bầy đầy đồ chơi thức ngắm

Nàng hầu gót đỏ hàng hàng thềm dưới đứng hầu

Áo xanh áo tía, rực rỡ trước hiên

Chủ nhà nghiêm trang, bước bước điện trên ra đón

Rõ ràng nguy nga vương phủ

Ngỡ ngàng hổ mặt khách trần.

Phu nhân trông khoảng ngoài ngũ tuần, mặc áo tím, quần xanh lục, cử chỉ khoan thai, đầy vẻ vương giả, ngồi ngay trên sập lớn giữa điện, xung quanh hầu gái xúm xít đứng hầu, kẻ dâng khăn, đứa kính cẩn bưng lò hương, có người lại chấp ngọc như ý, cô thì cắp phất trần.

Lý Tĩnh bước lên thềm cúi lạy, Phu nhân khẽ đáp lễ rồi hỏi:

- Xin quý khách cho tường quý tính, vì sao lại lạc bước tới đây?

Lý Tĩnh đáp họ tên, kể chuyện đi săn, bắn thỏ lạc đường, xin nghỉ qua đêm, rồi hỏi thêm:

- Ơn phu nhân cho biết, biệt thự tráng lệ này là thuộc dòng họ nào?

Phu nhân đáp:

- Đây vốn là biệt thự của họ Long. Ta ở đây với con trai, đêm nay các cháu lại không có mặt ở nhà, đáng ra không tiện giữ khách, nhưng ngài lạc đường tìm tới, nếu từ chối, đêm hôm biết đi đâu, vậy nên tạm lưu quý khách, xin chớ lấy làm đường đột.

Bèn sai hầu gái, bày tiệc rượu đãi khách. Lý Tĩnh vừa đứng dậy cảm tạ đã thấy tiệc rượu bày ra, chén bát la liệt, đều là những thứ rất lạ mắt. Phu nhân khẽ khàng vòng tay mời khách vào tiệc, tự mình ngồi ở một bên, sai hầu gái rót rượu dâng khách. Lý Tĩnh thấy phu nhân nghiêm trang, lịch sự, hầu gái cung kính, sợ thất lễ nên không dám uống nhiều, mới chỉ vài chén đã đứng dậy cáo từ. Phu nhân lên tiếng:

- Ngựa quý của ngài, đã đem vào chuồng sai cho ăn uống cẩn thận. Phía hữu điện trước đã bảo dọn sẵn giường màn, xin mời ngài đi nghỉ. Đêm khuya, nếu các cháu có về, người ngựa huyên náo, xin quý khách đừng giật mình, nghi ngại.

Nói xong, phu nhân quay vào nhà trong. Hầu gái dẫn Lý Tĩnh ra điện trước đi nằm, từ giường màn cho tới chăn gối đều cực kỳ hoa mỹ, Lý thầm nghĩ: "Họ Long thuộc dòng dõi nào mà phong lưu đến thế này, lại đãi khách rất chu đáo". Lại nghĩ: "Con trai phu nhân mà về nghe nói trong nhà có khách, có khi cũng muốn gặp, ta làm sao ngủ được." Lý bèn đóng cửa vẫn để nến cháy, ngồi đợi sáng. Nhìn lên giá sát tường thấy chất đầy các loại sách lớn nhỏ, dày mỏng bèn lấy ra mấy quyển xem cho đỡ buồn thì thấy toàn những chuyện dị kỳ về hà bá, long vương, cùng các loài thủy tộc, Lý chưa từng được đọc bao giờ.

Lý Tĩnh giở sách xem một hồi, khoảng sau canh hai, bỗng nghe ngoài cửa lớn có tiếng dõng dạc:

- Có thiên phù đến ra lệnh đi làm mưa.

Rồi lại thấy cảnh nhộn nhịp bên trong, với lệnh truyền:

- Mời lão phu nhân ra nghênh tiếp thiên phù.

Lý Tĩnh ngạc nhiên nghĩ: "Làm sao thiên phù sai làm mưa lại đến nhà này, không thể nào ngờ rằng nơi này lại không phải cõi người được!" Lòng đang nghi hoặc, hầu gái gõ cửa, trình với Lý rằng phu nhân có chuyện muốn thưa, mời khách ra gặp. Lý vội vàng ra cửa lên điện. Phu nhân từ tốn giảng giải:

- Ngài dừng ngạc nhiên, nơi đây thực là thuộc long cung, ta chính là Long Mẫu, hai con trai đều có tên trong sổ thiên tào, có nhiệm vụ phải làm mưa. Vừa có thiên phù ban lệnh: từ đây kéo sang phía tây, từ tây kéo xuống phía nam, trong vòng năm trăm dặm, hạn canh ba đêm nay phải làm mưa, cho đến tận mờ sáng mới thôi. Thời gian định rất rõ, không được sai lệnh. Khốn nỗi cả hai cháu lớn nhỏ đều đưa chị về nhà chồng rất xa, cháu thứ hai lại ở với con dâu ở tận hồ Đồng Đình, có gọi cũng không kịp, lão lại phận đàn bà, bọn đầy tớ thì không được làm việc này. Ngài vốn là bậc quý nhân, may lại có ở đây vào đúng lúc này, xin nhờ ngài tạm thay cho các cháu một chuyến, công việc xong xuôi, thế nào cũng xin có lễ tạ gọi là, vạn lần xin đừng từ chối.

Lý Tĩnh vốn là người can trường, nghe những lời của phu nhân cũng không hề ngạc nhiên, sợ hãi gì, chỉ nói:

- Tiểu nhân vốn người phàm, xác tục, làm sao lại có thể thay Long thần làm mưa cho được?

Phu nhân tiếp:

- Ngài nếu bằng lòng nhận làm cho, thì sẽ tự có cách làm mưa.

Lý Tĩnh thưa:

- Nếu quả như vậy, thì chẳng có điều gì khó khăn mà lại không làm thay được các tôn huynh được.

Phu nhân mừng lắm, sai bưng đến một chén rượu. Phu nhân đón lấy rồi đưa mời Lý Tĩnh:

- Xin mời ngài uống chén rượu này, nó có thể chấn được sấm sét gió mây, giữ được tinh thần lẫm liệt.

Lý Tĩnh đỡ chén rượu cầm tay, đã nghe hương vị khác thường, bèn dốc ngay một hơi uống cạn, bỗng thấy trong người sảng khoái, tỉnh táo lạ lùng. Phu nhân nói tiếp:

- Ngoài cửa đã sắp sẵn long mã, xin ngài lên ngựa, long mã sẽ đưa ngài lên mây, việc này cũng chẳng có gì đáng ngại. Bên yên có buộc sẵn một chiếc bình bằng lưu ly, bình chứa đầy nước trong, loại nước này gọi là "thủy mẫu", cổ bình có gài sẵn một chiếc thìa nhỏ bằng vàng. Lúc nào ngài thấy long mã nhảy vọt cao hẳn, thì ngài rót một giọt nước vào thìa, đổ vào bờm ngựa, không được rót nhiều hơn, cũng không ít hơn. Đó chính là cách làm mưa, xin ngài nhớ kỹ, đừng lầm lỡ. Làm mưa xong, long mã sẽ tự quay về, không có gì phải lo lắng.

Lý Tĩnh nhất nhất vâng nghe, lập tức ra cửa, lên ngựa. Ngựa vừa cao, vừa to màu hồng thật kỳ lạ, bước mới được vài bước đã bay vọt lên từng không, cưỡi gió mà bay tới, êm ái nhẹ nhàng, càng bay càng cao. Một lát sau đã thấy tiếng sấm, ánh chớp từ chân ngựa phóng ra. Lý Tĩnh không chút sợ hãi, cứ nhớ đúng lời dặn của lão phu mà làm, chỗ nào thấy ngựa nhảy vọt, thì lại tưới một giọt nước lên bờm ngựa, cũng không biết là đã rót được bao nhiều giọt nước lên bờm cả thảy, thì đã thấy sắc trời dần dần sáng ra. Tới một xứ khác, thấy ngựa lại nhảy vọt, Lý Tĩnh lại tưới một giọt, nhưng trong ánh chớp sáng nhìn ra, chính là chỗ ban ngày Lý Tĩnh khát nước phải xin uống. Vì vậy Lý Tĩnh nghĩ thầm: "Ta rõ mắt thấy vùng này đồng ruộng khô cạn, chỉ một giọt nước thì làm nên chuyện gì. Nay làm mưa quyền ở tay ta, sao không rộng rãi thi ơn. Vả lại ta được người vùng này cho một ấm trà rất kính cẩn, càng nên cho thêm ít giọt mẫu thủy". Nghĩ thế rồi rót đến hơn hai mươi giọt tưới vào bờm ngựa.

Mọi chuyện đâu vào đấy, ngựa quay trở về. Đến gần cửa, ngựa từ từ hạ xuống mặt đất. Lý Tĩnh xuống ngựa vào cửa. Thấy phu nhân đầu tóc rối tung, ăn mặc sơ sài mặt mày thiểu não, ra đón Lý Tĩnh mà than:

- Ngài làm lỡ to việc của ta rồi, một giọt nước trong bình rót ra, thì cõi trần mưa đúng một thước nước, ta đã dặn mỗi lần chỉ rót một giọt, sao chỉ một nơi mà ngài rót tới hơn hai mươi giọt? Nay nơi đó nước dâng hơn hai mươi trượng, đồng lúa, nhà cửa dân gian đều đang chìm đắm. Ta chỉ vì quá coi thường, nhờ ngài, giờ sẽ bị trời phạt, lưng này sẽ bị đánh hàng trăm roi. Bọn trẻ sẽ phải tội.

Lý Tĩnh thất kinh, dậm chân hối hận, hổ thẹn không nơi giấu mặt. Phu nhân nói tiếp:

- Thôi thì cũng là chuyện số mệnh, ta nào có dám trách chi ngài. Ngài một phen khó nhọc, cũng phải được đền ơn. Nhưng châu ngọc, vàng lụa thì tất không phải thứ ngài chuộng, xin có thứ đặc biệt này tặng ngài là hợp hơn cả.

Phu nhân gọi ra hai cô gái đều mặc áo xanh, mặt mày cực kỳ xinh đẹp, nhưng một cô có vẻ đang cười, một cô có vẻ đang giận. Phu nhân nói:

- Thưa ngài, đây là một hầu văn, một hầu võ, xin ngài chọn lấy một, hoặc lấy cả hai cũng được.

Lý Tĩnh từ tốn cảm tạ :

- Tĩnh này đã phụ sự ủy thác của phu nhân, vì thế mà phu nhân và các con tôn huynh mang lụy, Tĩnh này áy náy vô cùng. Đã không bắt tội là may mắn lắm rồi, đâu dám nhận thưởng lớn thế này.

Phu nhân nói:

- Ngài không cần phải từ chối. Mau nhận rồi đi cho, nếu không bọn trẻ nhà ta về, sợ xảy ra nhiều chuyện không hay.

Lý Tĩnh nghĩ: "Ta mà nhận cả thì thật là quá tham, nếu chọn cô hầu văn, thì sợ lại quá yếu đuối". Nghĩ vậy, Lý bèn chỉ cô hầu võ mà với phu nhân:

- Nếu được nhận, xin phu nhân cho người này.

Phu nhân bảo người đầy tớ già dắt ngựa trả Lý Tĩnh, lại sai dắt thêm một con ngựa cho cô hầu võ cưỡi. Cả hai từ biệt lên đường.

Lý Tĩnh ra cửa lên ngựa, cùng đi với người hầu gái xinh đẹp. Mới đi dược vài bước, quay đầu nhìn lại, thì đã không thấy biệt thự đâu nữa. Được vài dặm, người hầu gái nói:

- Vừa rồi nếu ngài nhận cả hai chúng tôi, thì ngài sẽ tài kiêm văn võ. Mai kia một mình ngài sẽ vào tướng văn, ra tướng võ, nay ngài bỏ văn mà lấy võ, ngày sau chỉ làm viên tướng võ nổi tiếng mà thôi.

Nói rồi rút trong ống tay áo ra một quyển sách, đưa cho Lý Tĩnh, nói tiếp:

- Cái này ngài có thể dùng để thắng được đối thủ, phò trợ chân chúa thành công vậy!

Người hầu gái cầm roi chỉ phía trước dặn Lý Tĩnh:

- Đường không còn xa mấy, sắp đến quán trọ của ngài. Mong ngài cẩn thận, giữ gìn. Phu nhân sai tôi theo ngài, chính là đưa binh thư cho ngài thôi. Về sau ngài sẽ được gặp gỡ với người đẹp nghiêng nước, nghiêng thành. Tôi vốn không phải bậc nữ nhi dưới nhân gian, không thể theo hầu khăn áo được. Xin từ biệt ở đây!

Nói xong, lập tức ngựa bay thẳng lên không trung, phút chốc đã không thấy đâu nữa rồi. Lý mười phần ngạc nhiên, hoang mang, giục ngựa ruổi mau, dần dần mới nhận rõ đường mình vừa đi hôm qua thì nay nước ngập mênh mông như biển lớn, chẳng một dấu vết người.

Lý vô cùng ăn năn, buồn rầu, tìm đường về quán trọ. Về đến nơi, Lý giở cuốn sách ra xem, thì toàn là những phép dùng binh, chế vũ khí, quân xa, giáp trụ, với những chỉ dẫn rất rõ ràng về hình dạng, cách thức, chính là:

Người thay thần thánh làm mưa gió

Nước ngập sinh linh khó chỗ nương

Tội này đâu phải tội thường

Binh thư vẫn được trời thương, lạ gì?

Lý Tĩnh từ khi được kỳ thư, binh pháp ngày càng tinh thông, sâu sắc. Chuyện không nói nữa. Hãy nói chuyện hồng thủy vừa rồi, lập tức các quan nha làm văn thư báo về triều đình, vua Tùy liền lệnh cho các ty tìm cách trị thủy, lại sai mở kho phát chẩn cứu tế cho trăm họ vùng thủy tai. Vua Tùy nhân việc lụt lớn chưa từng thấy, lại nghĩ: "Rõ ràng ta đã mộng thấy nạn hồng thủy này. Nay lại hiện ngay ở gần kinh thành. Thật đúng , là giấc mộng của ta đã nghiệm rồi?" Từ đó trong lòng cũng đỡ nghi ngờ lo lắng.

Tháng sáu, năm Nhâm Thọ thứ nhất 2 con thứ ba của vua Tùy là Thục Vương Tá, thấy Tấn Vương Quảng được phong là Thái tử, trong lòng rất hậm hực. Tấn Vương sợ Thục Vương sẽ nổi loạn, mới ngầm sai Dương Tố nói xấu Thục Vương. Vua Tùy nghe theo những lời dèm pha đó, bèn triệu Thục Vương về kinh đô, sai Dương Tố trị tội. Dương vu cho Thục Vương tội khốc hại trăm họ, vua Tùy chuẩn tấu phế Thục Vương làm dân thường.

Duy chỉ Lý Uyên không sợ liên lụy, viết tấu can gián việc phế Thái tử Dũng và giáng Thục Vương, xin cho hai người này được làm vương ở tiểu quốc mà không phải giáng làm thứ dân. Vua Tùy tuy không nghe theo lời tấu này, nhưng cũng không trị tội thêm Thái tử Dũng và Thục Vương. Vì vậy Thái tử Quảng càng thêm oán ghét Lý Uyên, nên bàn bạc với bọn Trương Hành, Vũ Văn Thuật:

- Các ngươi có mưu kế gì, trừ được Lý Uyên. Ngôi Đông cung Thái tử của ta mà yên ổn, thì sự phú quý của các ngươi cũng chắc chắn.

Vũ Văn Thuật thưa:

- Nếu Thái tử nói chuyện gạt Lý Uyên sớm thì cứ ghép y vào cùng với hai kẻ vừa bị giáng xuống làm thứ dân, chí ít cũng sẽ bị diệt cả họ. Nhưng bây giờ thánh thượng đang tin y là người trung thực, nên khó mà lay đổ được y.

Trương Hành thưa:

- Điều này không có gì khó. Chúa thượng vốn rất hay ngờ vực, từ khi nằm mộng nước lụt ngập kinh thành, lòng lại càng lo lắng. Chuyện Thành Quốc Công Lý Hồn, vì ngờ ứng với giấc mộng nên chúa thượng đã bức hại Hồng Nhi. Nay hạ quan chỉ cần học cách của Tô Đỉnh người Bắc Tề giết Học Luật Quang, truyền lời đồng dao rằng Hồn với Uyên cùng đều họ Lý, tên đều có "bộ thủy" ỡ bên, nhất định chúa thượng sẽ tin, thì làm sao mà Lý Uyên thoát khỏi thân tan nhà nát cho được.

Thái tử nghe Trương nói, gật, đầu mừng rỡ.

Mưu gian ác hơn quỷ

Đêm tối bắn tên ngầm

Đời loạn người hiền tủi

Vô cớ họa đến tầm.

Trương Hành cho người phao lời đồng dao, trước là vùng quê, sau đó là phố chợ, lúc đầu còn ở cửa miệng trẻ con, sau đó là người lớn đều bàn tán to nhỏ khắp nơi: "Con họ Lý, họ Đào sẽ được thiên hạ". Lại thêm: "Dương thị diệt, Lý thị hưng" không ai biết bắt đầu từ miệng người nào, ở đâu quân quan tra hỏi, bắt bớ cũng không thể dập tắt. Dần dần chuyện lan cả vào cung cấm. Tấn Vương cố ý tâu với vua Tùy:

- Thưa phụ hoàng, khắp trong thành ngoài nội đều truyền nhau những lời đồng dao không lành. Xin phụ hoàng ra lệnh cấm chỉ.

Vua Tùy nghe tâu thế, lòng càng lo lắng, Lý Uyên giờ cũng bị buộc vào một bó, đứng ngồi không yên. Nhưng còn may, nỗi ngờ vực của vua Tùy lâu nay vẫn mới chỉ đồn vào một thân và họ hàng nhà Lý Hồn.

Vào những ngày này, trong triều lại có thêm một kẻ chuyên nịnh hót vua Tùy để hãm hại kẻ khác, đó là Trung lang tướng Bùi Nhân Cơ. Y tâu với vua Tùy:

- Tâu chúa thượng! Thành Quốc Công Lý Hồn tên ứng lời đồng dao, gần đây nhân chuyện chúa thượng tứ tử Hồng Nhi, Lý Hồn mang lòng oán hận, những mong tính chuyện phản loạn.

Vua Tùy liền cho lệnh thẩm xét, thế là một lũ phụ họa được thời. Chỉ đáng thương cho Lý Hồn, cả họ ba trăm hai mươi người, đều bị đem ra xử chém giữa chợ.

Sau việc này, Lý Uyên cũng ít bị để ý một thời gian. Nhưng bọn Trương Hành vẫn chưa thôi bày mưu tính kế hăm hại Lý Uyên. Chúng mua chuộc hối lộ một thầy tướng số, tên gọi An Gia Đà, rất được vua Tùy tin. Lão này nhỏ to với vua Tùy, họ Lý vẫn đầy vương khí, khuyên vua Tùy hãy giết tất cả những kẻ họ Lý. May lại còn Thượng thư tả thừa Cao Quýnh can:

- Những lời đồng dao ấy, có thứ chẳng có quan hệ gì, cũng có câu rất gắn bó với vận mệnh của đất nước. Thật cũng có, giả cũng có. Không quan hệ như chuyện trời đổ mưa lớn với việc họ Cao Dương nhà Thương nổi dậy. Có quan hệ như chuyện cung dâu giấu trong giỏ là điềm nhà Chu suy. Là thật, chính là chuyện "nước Sở dẫu còn ba hộ, thì kẻ làm mất nhà Tần vẫn là nước Sở", sau này Sở Bá Vương chẳng diệt nhà Tần là gì. Là giả, những chuyện như núi không xô mà đổ, mặt trời, mặt trăng tự nhiên hiện ra. Rồi những lời sấm của Tô Đình khiến Hộc Luật Quang mất nước, những lời xiểm nịnh với Tần Thủy Hoàng: "Làm mất nước Tần là Hồ" thì không phải Hồ Hợi là gì. Tấn Tuyên Đế lấy bò thay ngựa, tức là chuyện Tiểu Lại Ngưu, cùng với Lang Nha Vương phi tử, tư thông với nhau sinh ra Nguyên Đế. Đạo trời ẩn hiện tinh vi không lường, muốn thay đổi ý trời, chẳng gì bằng tu sửa đạo đức, chứ không phải bởi những hình luật hà khắc. Nay vì những lời đồng dao ấy lại xôn xao, khiến thánh thượng lo lắng thì không gì bằng thánh thượng đừng cho những người họ Lý dự việc triều chính nữa, bãi chức những kẻ họ Lý nắm giữ quân cơ thì yên hết mọi việc thôi.

Cũng vì vậy mà Bồ Sơn Công Lý Mật, đang giữ chức thiên ngưu, vua Tùy thường nghi Lý có tướng làm phản, nhưng Lý lại chơi rất thân với Dương Tố, được Dương chu toàn cho, nay có lời của Cao Quýnh, Dương ngầm bảo Lý từ quan, những kẻ họ Lý khác theo đó mà xin về quê cũ. Lý Uyên cũng xin về quê ở Thái Nguyên dưỡng bệnh, nhà vua y cho, lại phong cho Uyên làm Thái Nguyên phủ thông thủ, tiết chế Tây Kinh. Thế là chỉ một lời tâu của Cao Quýnh, đã cứu được cả họ nhà Lý Uyên, âu cũng là chuyện đã mang mệnh vương giả thì không dễ mà chết được.

Thả cho hổ dữ khỏi chuồng

Chim ưng cao cánh thoát vòng lưới nguy

Quay nhìn cửa khuyết rụng rời

Tạm về vườn cũ lánh đời, náu thân.

Lúc này là tháng bảy, năm thứ nhất đời Nhân Thọ nhà Tùy. Thái tử nghe nói Lý Uyên từ nhiệm, nói với Vũ Văn Thuật:

- Trương Hành mưu kế kỳ diệu, nhưng cũng chỉ hại được Lý Hồn, còn Lý uyên thì lại giữ được thân, được gia quyến an toàn về quê.

Vũ thưa:

- Nếu Thái tử muốn tha thì coi như mọi việc thế là xong. Bằng thấy không thể tha được cho Lý Uyên, thì hạ quan có kế này, có thể kết liễu cả Lý Uyên lẫn gia quyến.

Thái tử cười nói:

- Sớm có được kế này, có phải đỡ hao tốn biết bao nhiêu tâm lực không?

Vũ thưa:

- Nhưng kế này lại chỉ đến bây giờ mới có thể dùng được.

Rồi ghé tai Thái tử nói mấy câu. Thái tử vỗ tay khen.

- Diệu kế! Việc này mà thành, ta sẽ đem tất cả đàn bà, của cải của y ban thưởng cho khanh. Nhưng y cũng là viên tướng quen chiến trận, vị tất đã dễ dàng diệt nổi.

Vũ thưa:

- Kế này của hạ quan, nhất định không nhục lệnh Thái tử sai khiến. Bất quá không giết được y, thì cũng làm y khiếp vía kinh hồn, không còn hơi sức đâu mà trở lại làm quan nữa.

Cả hai bàn định chi li kế sách, để hại bằng được Lý Uyên.

Không rõ tính mệnh Lý Uyên ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.


/100